Kiến di chuyển thành 1 hàng như thế nào?
Kiến vốn là một loài động vật sống theo bầy với một hệ thống tổ chức rất tiến bộ và vô cùng độc đáo. Vì có tính tổ chức cao như vậy nên việc di chuyển hay phối hợp giữa các thành viên trong đàn đều rất quan trọng, thói quen của chúng là luôn luôn di chuyển thành 1 hàng dài trong mọi lúc, mọi nơi. Bí quyết ở đây là do mùi hương riêng biệt được tiết ra bởi loài kiến – PHEROMONE.
Pheromone được xem là những tín hiệu hóa học giữa các cá thể cùng loài, những chất này được tiết ra ngoài cơ thể của côn trùng và có thể được phân tán trong không khí khá lâu, xa và đôi khi đến 2 km hay xa hơn nữa.
Hệ thống Pheromone khá phức tạp ở các loài côn trùng sống thành xã hội như kiến và thường được tiết ra từ hàm trên hay tuyến hậu môn. Khi một con kiến tìm thấy thức ăn, nó chỉ mang một phần nhỏ về và tiết ra Pheromone trên đường trở về tổ. Vệt Pheromone này có chức năng giúp các con kiến khác trong bầy lần theo dấu vết tìm đến chỗ thức ăn. Vì dễ bay hơi nên các con kiến đi trước liên tục tiết ra chất hóa học này để các con phía sau xác định vị trí của thức ăn cũng như trở về tổ. Khi lần theo mùi hương này, kiến có xu hướng đi theo một đường thẳng.
Thêm vào đó, việc di chuyển theo hàng cũng giúp kiến dễ dàng chạm đầu vào nhau và tiếp xúc với cơ thể của các con kiến khác trên đường đi. Hành động này cho phép chúng nhận biết các thành viên trong bầy thông qua việc kiểm tra mùi Pheromone của đồng loại. Nếu phát hiện bất cứ con nào có mùi khác thường, chúng lập tức có hành động xua đuổi ngay kẻ xâm nhập.