“Con trai không được khóc” hay “Con trai phải nghịch ngợm” có thể là thông điệp tiêu cực, phản tác dụng trong việc nuôi dạy trẻ.
Nuôi dạy con trai trong thời đại ngày nay là thách thức lớn đối với phụ huynh bởi sự tác động của nhiều yếu tố, bao gồm: công nghệ, sinh lý, cảm xúc. Trang nuôi dạy trẻ Fatherly khuyên phụ huynh không nên đưa ra sáu câu nói dưới đây.
1. “Con trai không được khóc”
Nói rằng “Con trai không được khóc” hay đặt biệt danh cho con là “cậu bé khóc nhè” không phải phương pháp giáo dục phù hợp với các chàng trai. Những câu nói này khiến các em nghĩ rằng không được phép ủy mị, xúc động và phải luôn chôn chặt cảm xúc trong lòng. Lâu dài, cảm xúc tích tụ sẽ khiến trạng thái tinh thần của các em chịu ảnh hưởng tiêu cực hoặc gây ra những hành động hung hăng để giải tỏa căng thẳng.
2. “Con làm tốt lắm”
“Làm tốt lắm” không phải lời khen xấu nhưng vô cùng mơ hồ, không rõ ràng và có thể khiến những thành tích các em đạt được trở nên vô nghĩa. Vì vậy, phụ huynh chỉ nên khen ngợi những thành tựu đòi hỏi sự nỗ lực thật sự, cụ thể hóa lời khen hoặc khen ngợi hành vi thay vì trẻ.
Ví dụ khi con bạn gặp một bài toán khó nhưng vẫn cố gắng tìm ra đáp án, đừng khen rằng “Con làm tốt lắm” vì nó thể hiện bạn không thực sự chú ý đến sự nỗ lực của con và khiến chúng nhụt chí. Thay vào đó hãy khen rằng “Mẹ thích cách con nỗ lực giải quyết một vấn đề tưởng như không thể”.
3. “Con trai phải nghịch ngợm”
Quan niệm con trai phải hiếu động, nghịch ngợm là hoàn toàn sai lầm. Câu nói này vô tình khuyến khích các chàng trai phớt lờ trách nhiệm hoặc hậu quả do mình gây ra vì lý do “con trai phải như thế”. Từ đó, các em sẽ trở thành người thiếu trách nhiệm, làm việc bốc đồng, không suy tính kỹ càng đến hậu quả.
Ngoài ra, không phải bất cứ chàng trai nào cũng thích hoạt động, nhiều em hướng nội, suy nghĩ cẩn trọng, hành động chậm rãi. Nếu quy chụp quan niệm “con trai phải nghịch ngợm” lên các em sẽ tạo áp lực và mâu thuẫn trong gia đình.
4. “Con thật giống bố”
Về mặt tích cực, câu nói này khiến các chàng trai tự ý thức về bản thân và thay đổi những khuyết điểm để trở thành người tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, những câu so sánh về trẻ và người thân thường mang nghĩa tiêu cực nhiều hơn, ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức của các em.
Chẳng hạn lời nhận xét “Con bướng bỉnh y như bố” sẽ khiến các chàng trai cảm thấy xấu hổ về bản thân và cha mẹ, mặc định bướng bỉnh là tính cách cá nhân không thể thay thế. Từ đó dẫn đến việc các em ghét bản thân vì mang khuyết điểm hoặc ngừng cố gắng sửa đổi sai lầm.
5. “Con ổn mà. Hãy bình tĩnh lại”
Phụ huynh thường nói “Con ổn mà. Hãy bình tĩnh lại” để an ủi, xoa dịu cảm xúc của trẻ nhưng sẽ phản tác dụng, đặc biệt với con trai. Các bé trai luôn phải đấu tranh với cảm xúc tức giận, thịnh nộ nhiều hơn các bé gái.
Nếu trẻ khóc, thực tế là các em không ổn nên việc xoa dịu bằng những câu nói chung chung như vậy sẽ khiến tồi tệ hơn. Phụ huynh nên giúp con hiểu và giải quyết cảm xúc tiêu cực của bản thân bằng cách thừa nhận những gì đang xảy ra, gọi tên cảm xúc của con và tìm cách giải quyết.
6. “Con hãy ngồi yên đi”
Khi các bé trai 5-6 tuổi, phụ huynh gần như không thể bắt chúng ngồi yên hoặc tập trung vào một hoạt động bất kỳ. Nhưng hiếu động là đặc điểm phổ biến ở bé trai nên việc kỳ vọng các em giữ trật tự, yên tĩnh là bất khả thi.
Nếu một cậu bé không thể ngồi yên ở bàn học hay trên bàn ăn, phụ huynh hãy cân nhắc cho các em lựa chọn khác để di chuyển. Cha mẹ cần thay đổi kỳ vọng để phù hợp với đặc điểm sinh lý, thể chất của con.
Các bé trai nên được di chuyển, vận động nhiều hơn, đặc biệt trong thời đại công nghệ hiện nay thông qua việc rèn luyện thể thao, vui chơi với bạn bè, tham gia hoạt động ngoại khóa. Những hoạt động ngoài trời giúp các em giải phóng năng lượng hoặc học cách kiềm chế năng lượng, cảm xúc của bản thân.